Vừa qua, các Đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc đã có một cuộc thảo luận trực tuyến. Cụ thể, cuộc thảo luận diễn ra với mục đích giải trình về dự án sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm. Bảo hiểm là lĩnh vực gắn liền với cuộc sống của mọi người ngày này. Vì thế mà các quy định về bảo hiểm cần được cập nhật sát sao để đảm bảo quyền lợi cho người dân và sự chuyên nghiệp của dịch vụ bảo hiểm. Chúng tôi đã tổng hợp các thông tin về buổi thảo luận trực tiếp về dự án Luật Kinh doanh Bảo hiểm cho các bạn cùng theo dõi.
Mục Lục
Thông tin về cuộc thảo luận trực tuyến của Quốc hội
Sáng 29/10, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi). Giải trình ý kiến các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu nhiều vấn đề. Trong đó, có việc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tổ chức thi và cấp chứng chỉ cho bảo hiểm và đại lý bảo hiểm.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ bảo hiểm và đại lý bảo hiểm, môi trường bảo hiểm cần giao cho Bộ Tài chính. Phần bồi dưỡng, đào tạo sẽ được Bộ giao cho các doanh nghiệp, cho nhà trường, cho các hội.
Theo lý giải của ông, Bộ Tài chính chỉ giữ vai trò tổ chức thi và cấp chứng chỉ. Nguyên do vì bảo hiểm là một ngành kinh doanh. Nó có điều kiện cũng giống chứng khoán, kiểm toán và định giá. Đối với doanh nghiệp kiểm toán độc lập, định giá hay chứng khoán thì đều tổ chức thi và cấp chứng chỉ để quản lý một cách có chất lượng với vấn đề có điều kiện. Đồng thời, nó là chuyên ngành sâu, cho nên cần phải quản lý.
“Bởi vì, khi một doanh nghiệp bảo hiểm mà vỡ thì cũng giống như ngân hàng thương mại vỡ, nó ảnh hưởng đến quyền lợi của rất nhiều người người tham gia bảo hiểm và an toàn xã hội”. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Dự thảo luật sẽ được rà soát và bổ sung cho hoàn thiện
Tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Phớc cũng cho biết Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các ủy ban của Quốc hội. Mục đích là để rà soát, bổ sung và chỉnh lý dự thảo luật. Cơ quan soạn thảo cũng sẽ hoàn thiện các khái niệm, các hành vi nghiêm cấm và quy định cụ thể về bảo hiểm bắt buộc, quy định trong hợp đồng bảo hiểm rõ hơn, cụ thể hơn. Từ đó phù hợp với Bộ luật Dân sự và các bộ luật khác. Các quy định về bảo hiểm vi mô cũng sẽ được bổ sung các nội dung cần thiết. Mục đích để đảm bảo tính khả thi phục vụ cho cuộc sống. Ngoài ra còn trợ giúp người nghèo, người yếu thế.
“Báo cáo các đồng chí, bảo hiểm vi mô là một loại hình bảo hiểm mới và đồng thời cùng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với những người yếu thế, thì bảo hiểm vi mô mang tính lợi nhuận không cao và mang tính rủi ro. Cho nên, có thể nói là cái này cần phải có sự linh hoạt. Vì vậy chúng tôi đề nghị đưa vào dự thảo nghị định của Thủ tướng Chính phủ”. Bộ trưởng Phớc giải trình.
Bộ trưởng lý giải các thông tin về bảo mật và bảo hiểm bắt buộc
Cơ quan soạn thảo cũng sẽ hoàn thiện và nâng cao tính chuyên nghiệp. Đồng thời tránh lợi dụng để ép buộc khách hàng. Cụ thể trong quy định về đại lý bảo hiểm và môi giới dịch vụ bảo hiểm.
Về việc cung cấp thông tin, lo ngại về bí mật của cá nhân, Bộ trưởng Phớc lý giải dự thảo luật đã quy định rất rõ việc cung cấp thông tin tuân thủ Điều 21 Hiến pháp, Điều 38 Luật Dân sự, Luật An ninh mạng Việt Nam và các luật khác. Thông tin được mã hóa và được phân cấp quản lý đảm bảo đúng quy định. Đồng thời chịu trách nhiệm bảo mật về thông tin.
Về bảo hiểm bắt buộc, Bộ trưởng cho biết dự thảo luật chỉ đưa vào ba loại bảo hiểm. Còn các loại bảo hiểm khác được Quốc hội quy định.
“Đây là luật có tính chất chuyên môn cao, cho nên cơ quan chủ trì xin phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật hoàn thiện để đảm bảo luật một cách tốt nhất. Chúng tôi xin tiếp thu. Xin trân trọng cảm ơn”, Bộ trưởng Phớc nói.
Trên đây là các thông tin về dự luật của Luật Kinh doanh Bảo hiểm. Hy vọng những dự luật này nếu đưa vào áp dụng sẽ mang lại lợi ích tích cực cho người mua bảo hiểm. Song cũng nâng cao các dịch vụ bảo hiểm tại Việt Nam. Bạn nghĩ sao về những sửa đổi trong dự thảo luật lần này? Bạn có ủng hộ những thay đổi này hay không? Hãy để lại bình luận bên dưới cho chúng tôi biết nhé!