Vốn hóa có được sau khi có dòng tiền liên tục đổ vào đã khiến thị trường sôi động hơn, tràn ngập sắc xanh sau chuỗi ngày chìm trong sắc đỏ. VN-Index đạt mức tăng lên đến 1.444,27 điểm- số điểm cao nhất trong 21 năm thị trường chứng khoán nước ta hoạt động. Kỷ lục đã được ghi nhận sau khi kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10/2021. VN-Index đã đạt ngưỡng 1.423,02 điểm vào lúc đóng cửa, cao nhất mọi thời đại. Hầu hết cổ phiếu của các lĩnh vực kinh doanh đều có dấu hiệu tăng trưởng. Sàn HOSE đã chốt lại với thanh khoản hơn 28.378 tỉ đồng, tăng đến 37% so với phiên trước. Cùng theo dõi kỷ lục vốn hóa tăng trưởng của VN-Index trong bài viết dưới đây nhé!
Mục Lục
Những con số biết nói của vốn hóa
Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng. Tăng 9,08% so với tháng trước, đạt khoảng 89% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành).
VN-Index tăng 7,62% so với tháng trước, tăng 30,84% so với đầu năm; VNAllshare đạt 1477,13 điểm, tăng 7,11% so với tháng trước và tăng 43,08% so với đầu năm; VN30 đạt 1532,35 điểm, tăng 5,41% so với tháng trước và tăng 43,11% so với đầu năm.
Các chỉ số ngành ghi nhận sự tăng trưởng cao trong tháng này. Trong đó nổi bật: ngành hàng dịch vụ tiện ích (VNUTI) tăng 16,20%, ngành công nghiệp (VNIND) tăng 15,35% và ngành bất động sản (VNREAL) tăng 12,09%so với tháng trước.
Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 10 quay lại đà tăng với giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt khoảng 22.139 tỷ đồng và 729,2 triệu cổ phiếu, tăng 5,94% về giá trị và tăng 2,68% về khối lượng so với tháng trước.
Trong tháng, tổng giá trị và khối lượng giao dịch cổ phiếu lần lượt đạt khoảng 464.925 tỷ đồng và 15,31 tỷ cổ phiếu, tăng lần lượt 11,24% về giá trị và tăng 7,81% về khối lượng so với tháng 09.
Những điều các nhà đầu tư cần phải quan tâm
Điểm không tích cực là hoạt động của khối ngoại vẫn đang duy trì bán ròng. Trong 10 tháng đầu năm, khối ngoại vẫn duy trì với giá trị hơn 50.431 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng cho tháng 10, tổng giá trị giao dịch của khối này không như kì vọng. Giá trị đạt 68.019 tỷ đồng, chiếm 7,32% tổng giá trị giao dịch chiều mua và bán toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị trên 5.751 tỷ đồng.
Theo thống kê, đến cuối tháng 10, trên HOSE có 45 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD; tăng 15% số lượng công ty so với tháng trước. Trong đó có 5 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD. Bao gồm: Tập đoàn Vingroup (VIC); Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); Công ty cổ phần Vinhomes (VHM); Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Tổng công ty Cổ phần Khí Việt Nam (GAS).
Đối với sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW), khối lượng giao dịch CW đạt hơn 514,5 triệu CW với giá trị giao dịch đạt trên 1.038 tỷ đồng. Thanh khoản giao dịch của CW tăng với giá trị giao dịch và khối lượng giao dịch bình quân lần lượt đạt hơn 49 tỷ đồng và 24,5 triệu CW, tương ứng tăng 14,46% về giá trị và 28,38% về khối lượng bình quân so với tháng trước. Kể từ ngày đầu tiên chính thức giao dịch, đã có 456 mã CW trên 27 cổ phiếu cơ sở của 10 tổ chức phát hành được niêm yết và giao dịch.
Những thông tin thêm về thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua
“Nguyên nhân mấu chốt của việc tăng này là do thời gian gần đây nhà đầu tư “nằm chờ”, có mong muốn giải ngân nhưng thị trường chỉ dùng dằng giảm, hoặc đi ngang. Nên hôm nay chỉ cần có một bộ phận “xung phong” mua vào cổ phiếu với số lượng lớn thì nhiều người khác sẽ nhập cuộc, xuống tiền”, ông Nguyễn Thế Minh, giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam chia sẻ.
Dự kiến trong tháng 11 có cuộc đấu giá của Công ty cổ phần Minh Hưng Quảng Trị; đồng thời sẽ chào đón 2 thành viên mới niêm yết là CTCP chứng khoán Tiên Phong (mã ORS) ngày 4/11 và CTCP Sản xuất và Thương mại Nam Hoa (ngày 10/11).
Trong tháng 10, trên HOSE có 1 mã cổ phiếu SHB thực hiện chuyển giao dịch từ HNX sang HOSE. Thêm 44 mã chứng khoán niêm yết mới. Bao gồm: 1 mã chứng chỉ quỹ đóng FUCTVGF3, 1 mã chứng chỉ quỹ ETF FUEIP100 và 42 mã CW.